Cách Dạy Con Không Còn Nhõng Nhẽo

Nguyên nhân bé nhõng nhẽo là gì? Cần làm gì khi bé nhõng nhẽo?

Article
Nov 23, 2020
6 min

Con hay quấy khóc, mè nheo mà mẹ không biết làm sao? Xem ngay gợi ý để biết cách dạy con ngoan, vượt qua cơn nhõng nhẽo của con.

Trẻ hay nhõng nhẽo, quấy khóc, mè nheo là biểu hiện trẻ đang rất muốn được cha mẹ quan tâm hơn, chú ý nhiều hơn. Đặc biệt, đối với những trẻ dưới 3 tuổi thì mức độ nhõng nhẽo thường xuyên xảy ra hơn. Trong giai đoạn phát triển này, trẻ vẫn chưa học được cách làm chủ cảm xúc tiêu cực hoặc cách thể hiện ra những mong muốn, những cảm xúc hợp lý với một sự việc nào đó. Vì thế, trẻ chọn biện pháp gào khóc hoặc "giãy nãy" để thu hút sự chú ý và đòi bằng được thứ mình muốn. Điều này khiến cha mẹ căng thẳng và dễ chiều theo mong muốn của trẻ, khiến tình trạng nhõng nhẽo, mè nheo kéo dài. Lần tới khi con nhõng nhẽo hãy áp dụng ngay một trong các cách dạy con ngoan này để vượt qua cơn nhõng nhẽo của con nhé.

1/ Đánh lạc hướng:

Đánh lạc hướng là là cách dạy con ngoan, cắt cơn nhõng nhẽo đơn giản, dễ áp dụng nhất

Đây là cách dạy con ngoan, cắt cơn nhõng nhẽo đơn giản, dễ áp dụng nhất. Cha mẹ chỉ cần thu hút trẻ sang một thứ khác mà trẻ yêu thích để con tạm quên đi điều mình đang đòi. Ví dụ: con nhõng nhẽo đòi xem điện thoại, cha mẹ có thể bất ngờ hát và nhảy theo bài hát cho trẻ em và khuyến khích con hòa nhịp; khi con bật cười tham gia là con đã quên đi chiếc điện thoại rồi.

Tuy nhiên, cách này chỉ có thể áp dụng cho các bé "dễ tính" và tình trạng nhõng nhẽo vẫn còn nhẹ.

2/ Những chiếc ôm tình cảm

Ôm là cách thể hiện tình cảm hiệu quả, giúp trẻ bình tĩnh hơn

Ôm là cách thể hiện tình cảm hiệu quả nhất và hơi ấm từ cha mẹ cũng giúp bé dễ bình tĩnh hơn.Cách dạy con này đòi hỏi cha mẹ phải kiên nhẫn và chấp nhận con gào khóc một khoảng thời gian. Thông thường, một cơn khóc của trẻ sẽ kéo dài 3-4 phút. Khi trẻ bắt đầu nhõng nhẽo, đòi hỏi, hãy nhanh chóng bế con đi xa khỏi nơi hoặc điều con đang đòi. Sau đó, nhẹ nhàng ôm con, vỗ lưng và nói những lời tình cảm, giải thích nhẹ nhàng cho con hiểu. Dù con có gào khóc to hơn thì vẫn giữ bình tĩnh, nhẹ nhàng ôm ấp, vỗ về để giúp con hiểu rằng cha mẹ không cho con điều con muốn nhưng vẫn luôn yêu thương con.

3/ Thỏa thuận

Cách dạy con ngoan này áp dụng cho những trẻ đã biết nói. Lúc này, cha mẹ nhẹ nhàng trò chuyện cùng con và thể hiện rằng mình sẵn sàng chiều theo, đáp ứng điều con muốn nhưng phải kèm theo một điều kiện; và điều kiện này là đánh đổi lấy một điều khác con yêu thích. Ví dụ: con đòi xem điện thoại, cha mẹ có thể đồng ý nhưng phải kèm theo điều kiện là con sẽ không được đi công viên vào cuối tuần hoặc phải bỏ xem tập phim hoạt hình yêu thích.

Mẹo này sẽ giúp đáp ứng ngay nhu cầu tức thời của con để con không nhõng nhẽo nữa; đồng thời cũng tạo lập một cam kết giữa con và cha mẹ. Con phải hy sinh một thứ mình thích và sau đó, con sẽ nhận ra "cái giá" của việc đòi hỏi bất chợt và trở nên cân nhắc, đắn đo hơn. Lúc này, cha mẹ có thể bắt đầu giải thích cho con hiểu nhõng nhẽo là xấu và giúp con mạnh mẽ hơn. Nếu con không nhõng nhẽo nữa, cha mẹ có thể thưởng lại cho con điều con đã "đánh đổi" để được chiều theo.

4/ Kiên quyết cứng rắn nhưng không bỏ mặc

Trường hợp bé có tính nhõng nhẽo nặng do thời gian dài được chiều chuộng thì các mẹo trên sẽ không hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng khi bé gào khóc to hơn, lăn ra sàn, giãy nãy... Lúc này, cha mẹ phải thật bình tĩnh và kiên quyết nói không, đồng thời, không được ôm bé nữa mà đứng yên quan sát, liên tục lặp lại khẩu hình "không" thật rõ và giải thích cho bé lý do vì sao không chiều theo ý con.

Với các bé nhõng nhẽo nặng, bé sẽ có xu hướng dựa dẫm, sà vào người, níu áo cha mẹ để đòi bằng được. Nếu cha mẹ vỗ về con thì bé sẽ nghĩ mình được đồng tình và không dừng lại. Vì vậy, thay vì những chiếc ôm, cha mẹ hãy đứng yên và thể hiện sự kiên quyết, dù rằng con có thể giãy nãy, thể hiện thái độ mạnh bạo. Trong trường hợp, bé thực hiện hành vi nhõng nhẽo ở nơi đông người và sự gào khóc của bé gây ảnh hưởng lớn thì cha mẹ có thể bế bé về ngay thật dứt khoát nhưng không la mắng. Trên đường về, vẫn tiếp tục giải thích lý do vì sao từ chối cho bé hiểu.

Cách này đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn vì tình trạng nhõng nhẽo đã thành thói quen. Nhưng hãy kiên trì, sau nhiều lần thực hiện, con sẽ hiểu ra rằng nhõng nhẽo không giải quyết được vấn đề và giảm đi thói quen xấu này. Điều quan trọng nhất, cha mẹ không nên bỏ đi, tạo cho con cảm giác bị bỏ mặc, lúc đó, con sẽ dễ bị tổn thương tâm lý đấy.

Bố mẹ kiên quyết cứng rắn nhưng không bỏ mặc

Ngoài ra, để giảm tính nhõng nhẽo giúp con phát triển nhận thức, bố mẹ cần:

   1. Chủ động thể hiện những quan tâm đầy yêu thương đối với trẻ để đáp ứng nhu cầu kết nối cảm xúc của con.

Mỗi ngày, bố mẹ nên dành 10 phút thật chất lượng cho con, không email, không facebook, bố mẹ hãy cùng con chơi trò chơi mà con yêu thích. Khi nhu cầu được quan tâm, chú ý của con được đáp ứng đầy đủ, con sẽ trở nên hợp tác hơn và ít có khả năng dùng đến cách nhõng nhẽo như một cách để thu hút sự chú ý của bố mẹ

   2. Thống nhất trong gia đình về cách dạy con

Tất cả các thành viên trong gia đình, kể cả ông bà nên thống nhất với nhau cách dạy bé để tránh trường hợp bé nhõng nhẽo, dựa vào người nào chiều chuộng bé nhất.

Tóm lại, "Là cha mẹ, chúng ta phải dạy cho trẻ biết rằng dù chúng ta hiểu sự thất vọng và buồn bực của chúng khi không được thỏa mãn nhu cầu ngay lập tức thì chúng vẫn phải học cách chấp nhận hoàn cảnh và vượt qua. Vì cuộc sống không phải lúc nào cũng được như ý mình muốn ngay lập tức".

Mong rằng những gợi ý từ Nestlé Mom&Me sẽ mang lại thông tin bổ ích giúp cha mẹ chăm con khỏe, dạy con ngoan, phát triển nhận thức toàn diện.

Hiệu đính Bác sĩ: ThS.BS Hoàng Phương Anh - Phân môn Tâm Thần nhi chu sinh - Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
 

Những điều cần làm dạy con không còn nhõng nhẽo