Dinh dưỡng thai kỳ tháng 03
Mẹ đã bước đến tháng cuối của tam cá nguyệt thứ nhất. Mẹ sẽ cảm thấy đôi chút khó chịu với cảm giác ốm nghén nhưng cũng chính thời điểm này, mẹ sẽ cảm nhận được con đang dần lớn lên. Chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ là tiền đề giúp con tiếp tục khỏe mạnh ở những tháng sau.
Sự phát triển của thai nhi trong tháng thứ 3
Mẹ sẽ thấy các bộ phận trên khuôn mặt bé dần được hình thành. Trên kết quả siêu âm trong tháng này, mẹ có thể nhìn thấy lông mày, môi và đôi mắt (được che bởi mí mắt) của bé yêu đó!
Tim của bé đập với tốc độ 110-160 nhịp mỗi phút, nhanh hơn nhiều so với nhịp đập của mẹ. Thậm chí, nhịp tim có thể tăng cao hơn nếu bị căng thẳng. Thế nên, mẹ hãy dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn nhé!
Các tế bào thần kinh của bé tiếp tục phát triển theo cấp số nhân nên có thể dẫn đến một vài chuyển động phản xạ mà mẹ không nhận thấy. Có thể lúc này bé đang quay đầu, vẫy tay và vẫy chân đó mẹ!
Từ tuần thứ 9 trở đi, vị giác được hình thành. Miệng của bé yêu có thể mở ra và đóng lại và bé bắt đầu nuốt nước ối và sẽ được đào thải qua thận dưới dạng nước tiểu.
Các dưỡng chất quan trọng mẹ bầu cần bổ sung trong tháng thứ 3
Chất dinh dưỡng |
Công dụng |
Thực phẩm |
Protein |
Thời điểm này, bé đang trên đà tăng trưởng nhanh hơn. Do đó, mẹ cần đảm bảo cung cấp đủ protein cho bé để hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là các tế bào thần kinh. |
Thịt gà, thịt bò, cá, trứng, ngũ cốc và các chế phẩm từ sữa. |
Canxi |
Dưỡng chất không thể thiếu trong giai đoạn này chính là canxi. Bé sẽ rút canxi từ cơ thể mẹ để phát triển hoàn thiện hệ xương. Vì vậy, mẹ cần bổ sung đủ canxi để tránh bị loãng xương hoặc còi xương ở bé. |
Sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai), trái cây và rau quả (đậu xanh, rau bina, bông cải xanh,…), các loại đậu (đậu bơ,…) và hạnh nhân, cá mòi,.. |
Hình 3 - Hình mẹ bầu ốm nghén
Lưu ý chăm sóc sức khỏe mẹ bầu trong tháng thứ 3
Trong tam cá nguyệt thứ nhất, ốm nghén là tình trạng phổ biến mà mẹ bầu hay gặp phải. Mẹ sẽ xuất hiện cảm giác buồn nôn và không thể chịu nổi một loại thức ăn nào đó. Nguyên nhân xuất phát từ sự nhạy cảm quá mức của khứu giác và vị giác. Có một số mẹ bầu sẽ dễ bị ốm nghén khi ăn cá. Tuy nhiên, mẹ đừng quá lo lắng vì có thể thay thế cá bằng nhiều thực phẩm giàu đạm khác như ức gà, trứng, giăm-bông. Hoặc mẹ có thể thay đổi cách chế biến để cá hết mùi tanh bằng cách nấu thành súp hoặc nấu cá với cà rốt.
Vào cuối tháng thứ 3, những cảm giác khó chịu này sẽ dần qua đi và mẹ sẽ thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Mẹ nên tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga sẽ giúp mẹ xua tan mệt mỏi và nạp thêm năng lượng cho chặng đường dài phía trước.
Ngoài ra, mẹ có thể xem thêm các bài viết bổ ích về dinh dưỡng cho mẹ bầu:
Dinh dưỡng "chuẩn" cho bầu khỏe, mẹ ơi!
Nguồn: FMC tổng hợp