Cho con bú đúng cách 1

Lập kế hoạch cho con bú đúng cách

Article
Oct 16, 2015
8 min

Bạn đang lên kế hoạch nuôi con bằng sữa mẹ? Đừng bỏ qua các bước thực hành trước, trong và sau khi sinh để cho bé bú đúng cách nhé!

Bạn đang lên kế hoạch nuôi con bằng sữa mẹ? Đừng bỏ qua các bước thực hành cách cho con bú trước, trong và sau khi sinh nhé!

Sữa mẹ là loại thực phẩm hoàn hảo cho bé yêu trong suốt 6 tháng đầu đời và thậm chí cho đến khi bé đã tập làm quen với các thức ăn dặm khác. Việc hiểu rõ mong muốn của mình trước khi sinh con có thể giúp mẹ tạo ra một tâm thế sẵn sàng để tận hưởng từng khoảnh khắc nuôi dạy và chăm sóc bé.

Dưới đây là bí quyết cho một khởi đầu cho con bú thành công:

Trước khi sinh

- Tìm kiếm sự giúp đỡ: Hãy mở lời với càng nhiều người càng tốt. Đó có thể là bà ngoại, bạn đời, bạn bè, chị em gái, hay bất cứ ai có thể hỗ trợ mẹ trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.

- Hãy trao đổi với bác sĩ về việc nuôi con bằng sữa mẹ. Cho bác sĩ và y tá biết về dự định của mình và tìm hiểu các dịch vụ hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ tại cơ sở y tế trước và sau khi bé chào đời.

- Hãy lưu ý chăm sóc bộ ngực của mình mẹ nhé. Mẹ có thể trao đổi thêm với bác sĩ về mức độ thay đổi bộ ngực mà mình mong muốn, về những phẫu thuật trước đây ở vùng ngực nếu có và các vấn đề liên quan tới hoóc-môn, bao gồm bệnh tuyến giáp hay đái tháo đường, cùng với bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến sức khỏe mà bạn cho rằng có liên quan đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Cuộc trao đổi này có thể giúp bạn chuẩn bị cho những lưu ý đặc biệt khi nuôi con bằng sữa mẹ.

- Đừng quên hỏi về việc cho trẻ bú mẹ ở bệnh viện. Hãy tìm hiểu xem tại bệnh viện có chuyên viên về nuôi con bằng sữa mẹ nào có thể đến tham khám và tư vấn cách cho con bú  trước khi rời bệnh viên, mẹ nhé.

- Mẹ sẽ cần một máy vắt sữa tốt. Nó sẽ là giải pháp để duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ khi bé không thể bú mẹ trực tiếp như trong trường hợp bạn phải trở lại làm việc hoặc học tập. Mẹ nên quyết định chọn loại máy nào dựa trên lượng sữa dự tính. Có rất nhiều lựa chọn, từ loại vắt bằng tay có giá tiết kiệm cho đến các máy bơm chạy điện hiệu quả và đắt tiền hơn, hoặc dùng máy vắt sữa của bệnh viện để đáp ứng nhu cầu vắt sữa thường xuyên và và kéo dài. Nên nhớ vệ sinh máy vắt sữa kỹ càng và mẹ cần phải làm sạch máy cho lần sử dụng đầu tiên cũng như sau mỗi lần sử dụng để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn cho bé cưng.

- Hãy hưởng ứng các hoạt động hỗ trợ từ cộng đồng. Thử tìm hiểu và ghi tên mình vào một lớp học hoặc một câu lạc bộ nuôi con bằng sữa mẹ. Bước đi này sẽ giúp mẹ có thêm thông tin và kinh nghiệm cho con bú đồng thời kết nối được với nguồn trợ giúp mẹ cần trong tương lai.

- Khi chuẩn bị đi sinh, mẹ nên có một danh sách ghi rõ những đồ dùng cần thiết. Bên cạnh đồ ngủ và dép xỏ ngón, bạn hãy thêm vào đó một bảng liệt kê những câu hỏi liên quan đến việc cho con bú sữa mẹ để trao đổi với các nhân viên của bệnh viện. Bạn có thể tham khảo danh sách mà Nestlé đã chuẩn bị sẵn ở bên dưới.

Khi mẹ nhập viện

- Hãy cho các nhân viên bệnh viện biết về kế hoạch nuôi con bằng sữa mẹ của mình. Cần thông báo với các y tá chăm sóc bạn trong quá trình chuyển dạ và sinh con về kế hoạch này.

- Hãy ghi chú trong bản yêu cầu rằng mẹ muốn ở cùng phòng với con liên tục và bé sẽ không uống bất kỳ loại sữa công thức nào trừ khi có yêu cầu về mặt y khoa. Nếu bé không ở cùng phòng với mẹ (như trường hợp phải chiếu đèn vàng da), cần đảm bảo rằng bé sẽ được bế đến với bạn ngay khi có dấu hiệu đói bụng.

- Mẹ nên yêu cầu cho bé uống sữa mẹ hoàn toàn và ghi chú với bệnh viện rằng các nguồn sữa bổ sung chỉ được sử dụng trong trường hợp có yêu cầu về mặt y khoa.

- Nếu được, hãy yêu cầu được gặp một chuyên viên tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ để được hướng dẫn về tư thế cho con bú, thực hành và giải đáp những thắc mắc trước khi bạn xuất viện.

Cách cho con bú sau khi sinh bé

- Hãy cho con bú sữa mẹ càng sớm càng tốt. Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) khuyến khích mẹ cho con bú càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh, lý tưởng nhất là trong giờ đầu tiên. Bé được hưởng lợi ngay lập tức với dòng sữa non giàu protein, vitamin, khoáng chất cũng như các kháng thể. Sữa non có màu vàng và đục được tiết ra ở ngực trong thời gian chờ chuyển đổi sang sữa trưởng thành trong vòng 2 đến 3 ngày tới.

- Cách cho con bú: Hãy thực hành phương pháp da kề da. Mẹ cần cho nhóm hộ lý và bác sĩ trực trong ca sinh của mình biết rằng mẹ muốn đặt con nằm trên ngực, da kề da ngay khi sinh xong và cho đến khi lần đầu tiên cho con bú được hoàn tất. Mẹ nên thực hành phương pháp này thường xuyên trong những tháng đầu đời để giúp bé có được những cữ bú yên bình, đồng thời giúp kích thích và duy trì một nguồn sữa dồi dào nhé.

- Hãy cho con bú khi bé đói. Bất cứ khi nào con đói, mẹ hãy đáp ứng nhu cầu của con, điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày bé sẽ có 8 đến 12 cữ bú trong vòng 24 giờ.

- Cho con bú cả hai bên vú. Để cân bằng khả năng sản xuất sữa ở cả hai bên vú. Hãy cho con bú hết sữa một bên ngực trước khi tiếp tục với bên còn lại. Nếu bé không tiếp tục bú, hãy để dành bầu sữa còn lại đó để mở đầu cữ bú tiếp theo.

- Đừng quá băn khoăn về giới hạn thời gian cho bé bú. Tốt nhất, bạn không nên đặt ra một giới hạn cụ thể mỗi cữ bú, chỉ cần đảm bảo rằng bé được bú thoải mái cho tới khi no. Một số bé bú rất nhanh, nhưng cũng có những bé lại rất chậm rãi.

- Hãy chú ý nhận biết những dấu hiệu khi con đói. Tốt nhất, đừng đợi đến khi bé bắt đầu khóc rồi mới cho bé bú. Thay vì vậy, hãy chú ý đến những ngôn ngữ không lời của bé như trở nên rối rít và có phản xạ tìm vú hay phản xạ bú.

- Nên làm gì sau ca sinh mổ. Ngay cả khi mẹ vừa trải qua một ca sinh mổ, việc cho con bú sớm vẫn rất quan trọng. Mẹ có thể dùng tư thế ôm bóng bầu dục (bế và đỡ đầu bé từ bên hông - giống như các cầu thủ bóng bầu dục ôm trái bóng) vì nó giúp giảm áp lực lên vết mổ.

Cách cho con bú trước khi xuất viện

 - Hãy tìm lời khuyên của chuyên gia. Mẹ cũng có thể nhờ một bác sĩ nhi quan sát tư thế cho con bú của mẹ và đưa ra lời khuyên.

- Học cách vắt sữa bằng tay. Vắt sữa bằng tay có thể là giải pháp hoàn hảo để làm giảm căng sữa khi sữa mẹ chuyển từ sữa non sang sữa trưởng thành, thường là 2 đến 3 ngày sau sinh. Điều này cũng giúp bé bú dễ dàng hơn.

- Ghi lại thông tin liên lạc. Hãy lấy thông tin họ tên và số điện thoại của các chuyên viên tư vấn của bệnh viện để mẹ có thể gọi xin lời khuyên khi đã đưa con về nhà.

Cách cho con bú tại nhà

- Đừng ngại gọi cho các chuyên gia khi mẹ có thắc mắc về cách cho con bú. Đó có thể là bác sĩ, chuyên viên tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, hay một người bạn, một người thân trong gia đình có kinh nghiệm trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.

- Mẹ cũng nên lập tức tìm sự hỗ trợ nếu thấy đau hay khó chịu khi cho con bú nhé.

Danh sách các lưu ý về việc cách cho con bú ở bệnh viện

1. Thông báo cho các nhân viên y tế về kế hoạch cho con bú sữa mẹ.

2. Yêu cầu ghi chú rõ việc nuôi con bằng sữa mẹ trong hồ sơ bệnh án.

3. Yêu cầu được ở chung phòng với con. Nếu có thể, hãy yêu cầu các nhân viên bệnh viện đưa con đến bên mẹ ngay khi bé tỏ dấu hiệu đói.

4. Nhắc các nhân viên về việc mẹ muốn thực hiện da kề da ngay sau khi sinh.

5. Không đồng ý cho bé sử dụng bất cứ sản phẩm sữa công thức nào trừ khi có yêu cầu bắt buộc về y khoa.

6. Yêu cầu được gặp chuyên gia tư vấn để quan sát thực hành cho con bú.