Trẻ sẽ học cách kiểm soát phản ứng tốt hơn sau khi “khủng hoảng” kết thúc

Những “lợi ích” bất ngờ của giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 2 - 3”

Article
Jan 6, 2020
4 min

Trong câu chuyện giữa các bà mẹ có con ở độ tuổi lên 3, từ khóa “khủng hoảng” luôn xuất hiện thường xuyên và là đề tài vô tận. Bé bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 với những đợt “trở chứng” thường xuyên, tỏ ra bướng bỉnh và thậm chí là ăn vạ, làm mẹ rất đau đầu.

Nhưng mẹ có biết, khủng hoảng tuổi lên 2 hay khủng hoảng tuổi lên 3 cũng mang những lợi ích vô cùng thiết thực và là giai đoạn không thể thiếu trong cuộc đời con?

 

Khủng hoảng tuổi lên 3 bắt đầu như thế nào?

 

Không rõ ràng về thời điểm như những cột mốc đầu đời khác – như cú lẫy đầu tiên hay lần đầu con gọi bố - những cơn “khủng hoảng” ở trẻ tuổi mẫu giáo thường bắt đầu lác đác từ năm con 2 tuổi, và nâng cao “tần suất” khi bé bước sang tuổi lên 3, do vậy mà giai đoạn lên 3 thường được “gắn mác” là giai đoạn khủng hoảng đầu đời của con.

Những lợi ích bất ngờ của giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3

Hầu như mỗi đứa trẻ đều trải qua giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3” trong đời

 

Những triệu chứng của khủng hoảng tuổi lên 3 ở trẻ rất đa dạng, cả về hình thức “trở chứng” lẫn độ dài của những cơn khó ở này. Có thể nhận biết trẻ bắt đầu cơn khủng hoảng bởi những biểu hiện sau:

  • Trẻ bướng bỉnh, không nghe lời trong những sinh hoạt đơn giản mà ngày thường con đã quen và vẫn làm tốt, như rửa tay trước khi ăn, chào bố mẹ khi về nhà, hay thay quần áo ngủ trước khi lên giường…
  • Trẻ dễ cáu kỉnh bất chợt, những cơn bực bội của trẻ đến mà không có dấu hiệu báo trước, và đôi khi ở lại… rất lâu!
  • Trẻ ăn vạ để đòi hỏi một món đồ chơi, quà vặt ưa thích, hay có khi chỉ để phản đối yêu cầu của mẹ. Đặc biệt, bé thường xuyên ăn vạ nơi công cộng, đông người, nhằm khiến mẹ phải nhượng bộ vì ngại phiền đến người xung quanh.

 

Nhưng … con rất cần có “khủng hoảng tuổi lên 3”

Theo các chuyên gia, khủng hoảng tuổi lên 2 và khủng hoảng tuổi lên 3 là thời điểm con bắt đầu nhận thức được bản thân cần độc lập, tự suy nghĩ và xây dựng những hiểu biết đầu tiên về chính mình và thế giới xung quanh. Trẻ phản kháng, tự làm điều mình nghĩ, hoặc đơn giản là phản ứng ngược lại điều cha mẹ mong muốn để chứng tỏ “chính kiến” và quyền tự quyết của mình.

Tin vui là, song song với việc bày tỏ quan điểm riêng và xây dựng tính cách của mình, con cũng sẽ học dần cách thức điều khiển những cơn bực bội thất thường này, đặc biệt nếu được bố mẹ ủng hộ, tìm cách giải quyết phù hợp.

Những lợi ích bất ngờ của giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3

Trẻ sẽ học cách kiểm soát phản ứng tốt hơn sau khi “khủng hoảng” kết thúc

Tin “ít vui” hơn là, khủng hoảng tuổi lên 2 và khủng hoảng tuổi lên 3 chỉ là giai đoạn đầu tiên của một chuỗi nhiều đợt khủng hoảng sẽ diễn ra suốt thời niên thiếu của trẻ, đặc biệt là những đợt khủng hoảng tuổi dậy thì, tuổi 17. Tuy nhiên, giải thích ở góc độ tâm lý, các chuyên gia cho rằng những giai đoạn khủng hoảng này rất cần thiết, và nên được diễn ra tự nhiên với sự giúp đỡ, quan tâm của bố mẹ, để trẻ vừa học hỏi được từ những khủng hoảng, vừa mở rộng thế giới xung quanh từng bước một, tự tin và vững chắc. 

Hiểu được rằng đây giai đoạn hết sức cần thiết để phát triển tâm lý và nhân cách, mẹ sẽ thấy nhẹ nhàng hơn với những cơn bướng bỉnh của con, và có thể điềm tĩnh tìm cách giải quyết. Còn giải quyết ra sao? Mời mẹ cùng theo dõi những bài tiếp theo để hiểu thêm về các bí quyết giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi lên 2 và khủng hoảng tuổi lên 3 nhé.

Tóm tắt (box): Giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 rất cần thiết, nên được diễn ra tự nhiên với sự giúp đỡ, quan tâm của bố mẹ, để trẻ vừa học hỏi được từ những khủng hoảng, vừa mở rộng thế giới xung quanh từng bước một, tự tin và vững chắc.