Ứng xử khéo trên mạng xã hội khi học bí quyết nuôi con

Ứng xử “khéo”trên mạng xã hội khi học bí quyết nuôi con

Article
Nov 19, 2021
6 min

Xem ngay 8 nguyên tắc sau sẽ giúp bạn có cách ứng xử cực “khéo” trên mạng xã hội khi học bí quyết nuôi con.

Phép lịch sự là yếu tố bắt buộc trong mọi hình thức giao tiếp xã hội, từ giao tiếp trực tiếp đến giao tiếp qua mạng. Tuy nhiên, việc ứng xử trên mạng xã hội với chủ đề “bí quyết nuôi con” phức tạp hơn bạn nghĩ. Bạn như lạc vào một thế giới mà mọi người thường thể hiện cái “tôi” quá lớn trong cách nuôi dạy con, họ thích phán xét rồi tranh luận nảy lửa về mọi thứ, từ việc cho con ăn thế nào đến phương pháp giáo dục trẻ. Đừng lo, hãy “khéo” hơn trong mọi tương tác giao tiếp qua mạng, và trở thành tấm gương tốt cho con bạn noi theo sau này. Sau đây là 8 bí kíp giúp bạn ứng xử thông minh trong mọi tình huống.  

1.  Giữ thái độ tích cực, tôn trọng, và cảm thông 
Hãy trở nên tử tế, không bao giờ khích bác hay chỉ trích người khác về vấn đề cách nuôi dưỡng con cái. Hãy đối với mọi người theo cách mà bạn muốn được đối xử. Bạn có thể hỗ trợ trực tuyến cho một lớp học tiền sản hoặc một diễn đàn làm cha mẹ. Để thực hiện được điều này, bạn cần cởi mở hơn, tôn trọng sự khác biệt văn hóa và tôn giáo của mỗi người, đảm bảo an toàn trong không gian mạng, vui vẻ chúc mừng sự thành công của các cha mẹ khác, và khéo léo trong các cuộc tranh luận.  

2.  Tôn trọng thời gian riêng tư trên mạng xã hội 
Mỗi người đều cần khoảnh khắc riêng tư ngoài thời gian trên mạng xã hội. Do vậy, đừng nên làm phiền người khác bằng cách nhắn tin hay gọi điện cả ngày lẫn đêm. Bạn cần hạn chế liên lạc hoặc nhắn tin cho ai đó trừ trường hợp khẩn cấp. Nếu việc này giúp bạn giết thời gian vào những đêm thức trắng cùng bé thì bạn cũng cần chọn lọc đối tượng và chỉ nhắn tin với những ai còn thức. Cũng đừng chia sẻ nhiều thông tin hình ảnh của bé lên mạng xã hội. Bên cạnh đó, luôn tôn trọng quyền riêng tư không gian mạng, không chia sẻ hoặc tag ảnh của người khác (đặc biệt là con của họ) cũng như cung cấp thông tin cá nhân của họ mà không được sự cho phép.      

3.  Cân nhắc khi sử dụng các biểu tượng cảm xúc  
Bạn cảm thấy cảm xúc dâng trào, bị chọc tức hay quá mệt mỏi về tinh thần? Bạn không thể rút lại những biểu cảm ấy khi vừa nhấn gửi đi đâu, do đó hãy xem xét mọi thứ trước khi thực hiện điều gì thay vì luôn hành động một cách cảm tính trong mọi giao tiếp qua mạng. Nếu không thể chia sẻ thẳng thắn với đối phương thì cũng đừng mang điều ấy nói qua kênh truyền thông xã hội. 

4.  Không nhấn like và chia sẻ các bài viết mang tính tiêu cực 
Mọi hành động khích bác và chỉ trích đều không được khuyến khích trên mạng xã hội, nhất là trong việc ứng xử dạy con. Vì vậy, bạn không nên cổ vũ hoặc đổ thêm dầu vào lửa bằng cách chia sẻ các bài viết và bình luận mang tính tiêu cực, hay lan truyền các tin đồn và thông tin sai lệch. Nếu nhận tin nhắn trêu chọc, tốt nhất không nên trả lời lại, hãy chặn ngay hoặc nhấn báo cáo hành vi gây hấn qua mạng xã hội. Bạn chỉ nên tham gia các diễn đàn hoặc hội nhóm có hành vi ứng xử chừng mực. 

5.  Không đưa ra lời khuyên vô bổ 
Bạn sẽ rất khó chịu nếu ai đó cứ đưa ra lời khuyên cho mình mà bản thân bạn không thật sự cần nó. Do đó, bạn cũng đừng nên làm điều tương tự với người khác mà hãy lắng nghe thấu hiểu mối bận tâm của họ và đưa ra lời động viên đúng lúc. Không nên chỉ trích lựa chọn và hành động của một ai đó. Đừng quên, không ai sinh ra đã là cha mẹ hoàn hảo. Xem ngay cách vượt qua lời khen chê khi làm cha mẹ.  

6.  Hiểu rõ khán giả mạng xã hội 
Điều chỉnh lại lối ứng xử của bạn cho phù hợp với từng đối tượng khán giả qua mạng xã hội. Bạn có thể thấy bí quyết nuôi con mình vừa chia sẻ qua nhóm mẹ bỉm khá thú vị, song nhóm bạn trẻ và các hội nhóm khác lại không nghĩ như thế. Hãy dành chút thời gian để kiểm tra xem mình có chia sẻ thông tin đúng với nhóm đối tượng hay không bạn nhé!  

7.  Chỉnh sửa ngôn từ  
Khi bạn không thể thể hiện biểu cảm trên khuôn mặt hoặc giọng điệu của mình, việc truyền tải thông tin qua mạng rất dễ gây hiểu lầm hay thậm chí vô tình động chạm ai đó. Thay vì lo lắng, hãy dành thời gian nghiên cứu làm thế nào để thể hiện ý nghĩ của bản thân một cách chính xác. Chọn từ ngữ và dấu câu cũng như các biểu tượng cảm xúc phù hợp với đối tượng người đọc. Quan trọng hơn, bạn cần biết cách tạo ấn tượng tốt và phấn đấu để có được những người bạn chân thành trên mạng xã hội.  

8.  Đừng sử dụng quá mức 
Ta có thể làm gì để kiểm soát mặt xấu của mạng xã hội? Có một cách là thoát ra khỏi mạng xã hội đó hoàn toàn và “nghỉ khoẻ”. Nhà nghiên cứu Morten Tromholt từ Đan Mạch thấy rằng sau khi nghỉ một tuần khỏi Facebook, ta có chất lượng cuộc sống tốt hơn và nhiều cảm xúc tích cực so với người tiếp tục dùng Facebook. Hiệu quả này được thấy rõ ở người dùng Facebook quá độ, người dùng thụ động (không tương tác) và người có xu hướng làm người khác ghen tị trên Facebook.  
Mỗi chúng ta nên có quyết định cá nhân về việc dùng mạng xã hội, dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình. Tương tác trên mạng xã hội không phải là thứ thay thế cho tương tác thật. Việc gặp mặt, tương tác giữa người với người, các mối quan hệ lành mạnh là thiết yếu cho xã hội và cho chính bản thân mình. Ta nên nhớ rõ điều này và không bao giờ chú tâm tất cả các mối quan hệ của mình vào mạng xã hội. 
 

Nguồn tham khảo:

https://greatergood.berkeley.edu/article/item/how_to_use_social_media_wisely_and_mindfully 
https://www.internetmatters.org/resources/top-internet-manners/ 
https://www.mindful.org/5-rules-for-sharing-genuinely-and-safely-online/ 
https://www.nytimes.com/2019/12/09/smarter-living/digital-etiquette-manners-online.html 
https://thebritishschoolofetiquette.com/netiquette-good-manners-online/