10 cảm xúc tiêu cực sau sinh và cách vượt qua
Lần đầu làm mẹ, hẳn bạn sẽ khó tránh khỏi bỡ ngỡ và có những cảm xúc tiêu cực sau sinh. Hãy áp dụng ngay những gợi ý sau đây nhé!
Lần đầu làm mẹ là một trải nghiệm hạnh phúc nhưng cũng đầy bỡ ngỡ, tâm trạng của bạn sẽ như đi tàu lượn siêu tốc, vui buồn lẫn lộn. Đặc biệt, bạn còn dễ gặp phải 10 cảm xúc tiêu cực sau sinh nữa đấy, hãy áp dụng những gợi ý sau đây để đối mặt và vượt qua nhé
1. Cảm giác cô đơn
Hãy tìm sự chia sẻ từ mọi người xung quanh, có thể là chồng, bố mẹ hoặc người thân trong gia đình. Bạn cũng có thể thử tham gia các hội nhóm dành cho những người mới làm mẹ trên mạng xã hội để cùng tâm sự, tìm sự đồng cảm để vượt qua nhé. Đừng đánh giá thấp cảm giác cô đơn, vì nó có thể mang đến những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe tinh thần của bạn, khiến bạn dễ bị trầm cảm sau sinh. Hãy ra ngoài nhiều hơn, đẩy con đi dạo, đi gặp gỡ bạn bè để được tiếp thêm năng lượng tích cực nhé. Nếu bạn là mẹ đơn thân, hãy xem những lời khuyên của chúng tôi tại đây.
2. Cảm giác căng thẳng
Cảm giác này xuất hiện khi bạn bị quá tải với việc chăm sóc con, làm việc nhà...Hãy ngay lập tức nhờ sự trợ giúp của chồng, gia đình và người thân để san sẻ bớt việc nhà nhé. Bạn nên dành thời gian cho riêng mình để nghỉ ngơi và hồi phục.
3. Cảm giác choáng ngợp
Đôi khi, bạn không thể tin được là mình đã lên chức làm mẹ và điều này khiến bạn cảm giác bị choáng ngợp, đôi khi không tin được rằng đây là sự thật. Đừng lo, ai cũng vậy cả, hãy bình tâm, chỉ vài tuần là bạn sẽ vượt qua ngay thôi.
4. Cảm giác kiệt sức
Bạn luôn cảm thấy mệt mỏi và thiếu ngủ. Điều này là bình thường vì chăm con là một công việc tốn công, tốn sức mà. Hãy cố gắng nghỉ ngơi hợp lý và bổ sung dinh dưỡng cân bằng. Đừng quên nhờ chồng hoặc người thân chăm con vào buổi tối để bạn có thể nghỉ ngơi và hồi phục nhé.
5. Cảm giác có lỗi
Đây là cảm giác thường gặp khi bạn cảm thấy mình không cho con được những gì tốt nhất. Đây là cảm giác tiêu cực, khiến bạn mệt mỏi, buồn bã và căng thẳng. Hãy bình tâm và đừng so sánh bản thân mình với những người mẹ khác. Bạn đã làm những gì tốt nhất có thể cho con rồi. Xem thêm những gợi ý chi tiết để vượt qua cảm giác có lỗi tại đây nhé.
6. Cảm giác lạc lối, không biết phải làm gì tiếp theo
Cảm giác này xảy đến khi bạn bị khủng hoảng bởi quá nhiều điều mới lạ khi chăm sóc con. Hãy thư giãn bằng những bài tập thể dục, ngâm mình trong bồn nước nóng để bình tâm lại và sẵn sàng cho thử thách làm mẹ nhé.
7. Cảm giác buồn bã
Hầu hết phụ nữ sau sinh sẽ trải qua cơn trầm cảm sau sinh trong tuần đầu tiên. Bạn sẽ mau nước mắt hơn, dễ xúc động hơn, căng thẳng hơn. Cảm giác này gây ra bởi sự thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể sau sinh. Đừng im lặng chịu đựng, hãy tìm sự chia sẻ, cảm thông từ bố mẹ, chồng và người thân trong gia đình. Nếu tình trạng trầm cảm của bạn nặng hơn, bạn cảm thấy chán chường mọi thứ thì hãy trao đổi ngay với bác sĩ để được trợ giúp.
8. Bạn cảm thấy bối rối
Lần đầu làm mẹ, bạn sẽ nhận được nhiều lời khuyên, nhận xét, khen chê từ mọi người xung quanh. Những lời nhận xét này khiến bạn bối rối. Hãy kiên định, chăm con theo bản năng của người mẹ và bỏ ngoài tai những lời nhận xét. Vì chính bạn mới là người biết rõ những gì là tốt nhất cho con. Hoặc khi bạn không biết nên làm gì, thì hãy tham vấn ý kiến bác sĩ, chuyên gia y tế - những người có chuyên môn thực sự.
9. Cảm giác thất bại
Đôi lúc, mọi việc xảy ra không như kế hoạch mà bạn đã dự tính ngay từ lúc mang thai và khiến bạn buồn bã. Đừng lo, trên đời này chẳng có gì hoàn hảo cả. Điều quan trọng là bạn đã cố gắng hết sức để mang lại những điều tốt đẹp cho con.
10. Cảm giác trống rỗng
Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo tình trạng trầm cảm sau sinh, một trong những vấn đề nổi cộm gây ra nhiều hậu quả khó lường những năm gần đây. Sau khi sinh, bạn cảm thấy mất hứng thú với em bé, những cảm giác mong chờ, hạnh phúc và cả lo lắng về con trước khi sinh đều trôi đi mất. Không những vậy, tất cả niềm vui và sở thích trước đây của bạn cũng không còn.
Những cảm giác tiêu cực trên cần được hỗ trợ từ các chuyên gia y tế nếu như kéo dài quá 2 tuần, sự suy nhược ngày càng nghiêm trọng, không thể hoàn thành các công việc hàng ngày, hoặc bạn có những suy nghĩ tiêu cực như làm hại đứa trẻ hoặc bản thân.
Nguồn tham khảo:
https://www.who.int/mediacentre/news/statements/2011/breastfeeding_20110115/en/ (Accessed July 2020)
https://www.who.int/nutrition/publications/infantfeeding/9789241597494.pdf (Accessed July 2020)
https://www.acog.org/womens-health/infographics/breastfeeding-benefits
https://kidshealth.org/en/parents/weaning.html
https://www.cdc.gov/breastfeeding/pdf/optimizing-support-for-breastfeeding-as-part-of-obstetric-practice.pdf