Giáo dục giới tính cho trẻ mầm non
Ở độ tuổi mầm non, tức giai đoạn từ 3-5 tuổi, bé đã sẵn sàng về mặt thể chất và tâm thần vận động để học hỏi, hòa nhập với thế giới xung quanh. Tuy nhiên, đi kèm với việc giúp con phát triển kỹ năng, kiến thức thì bố mẹ cũng cần phải sẵn sàng để giáo dục giới tính cho con ngay ở giai đoạn này để “vẽ đúng đường cho hươu chạy” và giải tỏa những thắc mắc nhạy cảm, ngây ngô của con trẻ về sự khác biệt giới tính.
Sự tò mò về giới tính của bé thực ra bắt đầu khá sớm: 3 tuổi. Đó là khi bố mẹ nghe bé gái hỏi “Mẹ ơi sao bạn Nam đứng tè được mà con lại phải ngồi?”, thậm chí “Sao bạn đó có chim dài mà con thì không?”. Một số bé gái sẽ “đứng” như bé trai và có khi bé trai lại thực hiện “ngồi” như bé gái. Những lúc như vậy, bố mẹ đừng cho rằng đó là hành vi lệch lạc và quở mắng bé. Nhưng bố mẹ ơi, hãy khoan trách mắng con bởi vì hầu hết bé dưới 3 tuổi thường bắt chước hành vi của cả hai giới. Đó chỉ là một trong những điều rất tự nhiên trong quá trình phát triển cả bé. Bé đang tuổi khám phá xung quanh và khám phá chình mình kia mà.
Vậy quá trình phát triển nhận thức giới tính của bé trải qua mấy giai đoạn và bố mẹ nên làm gì để giáo dục giới tính đúng cách cho con, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé
1 BÉ 2 TUỔI
Giáo dục giới tính tuổi mầm non nên được “dự bị” trước khi bé vào mẫu giáo, qua việc bố mẹ trước tiên là chọn đồ chơi cho bé, chọn trang phục và chọn kiểu tóc cho con. Bé trai nên chọn màu xanh hoặc những màu gam lạnh trong trang phục, và cho bé chơi những đồ chơi là vật chuyển động và phát ra âm thanh mạnh mẽ (chơi người máy, chơi đánh trận,…). Bé gái thì chọn gam màu nóng kèm thêm các phụ kiện như kẹp tóc, nơ, vòng tay. Đồ chơi của bé gái cũng nên nhẹ nhàng, nữ tính (chơi làm bếp, thời trang búp bê, trò chơi đi chợ buôn hàng,….). Vì đây là giai đoạn nền tảng, bé chưa hiểu nhưng sẽ ghi nhớ những sự khác biệt bề ngoài giữa con trai và con gái. Thông qua đó, bố mẹ có thể xây dựng, định hướng được cho bé bản chất giới tính của mình.
2. BÉ 3 TUỔI
a. Việc đặt một câu hỏi để bé khẳng định “Con là con trai hay con gái?” cũng không phải là thừa trong những mẫu hội thoại nói chuyện hằng ngày với con. Bố mẹ nên thường xuyên giới thiệu cho con các hình ảnh về hoạt động vui chơi mang tính chất đặc trưng giới tính của con trai và con gái. Ví dụ như cho các bé trai xem đá banh, chơi trận giả…còn các bé gái chơi búp bê, tết nơ kẹp tóc…
b. Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý rằng hướng con chơi với nhóm bạn cùng giới cùng giới ở bé còn nhỏ chưa thực sự là điều bắt buộc (như bé trai chỉ được chơi với con trai), nhưng động thái này phải được thực hiện nếu như đến giai đoạn tuổi tiền dậy thì bé có biểu hiện nhận thức lệch lạc về giới tính của bản thân. Bé tuổi mẫu giáo trai gái chơi chung nhưng ít khi kết thân và tình bạn ít khi duy trì lâu dài. Hãy để tuổi thơ của bé trải qua đầy đủ sự hiện diện của các giới tính tự nhiên cần có.
c. Một số trò chơi như chăm sóc gấu bông, búp bê, làm bếp, bán hàng….không phải là trò chơi hoàn toàn mang tính đặc quyền “chỉ có con gái mới chơi”. Đó là những trò chơi đóng vai, chơi giả bộ đòi hỏi sự tư duy cao và rèn luyện kỹ năng biết quan tâm chăm sóc người khác. Bố mẹ có bé trai đừng cấm đoán con tham gia những trò chơi này, nhưng có thể hướng con chọn búp bê nam, và đóng vai trò nam giới trong trò chơi thay vì búp bê nữ. Con trai cũng cần phải biết nấu ăn, biết quan tâm chia sẻ trong cuộc sống khi trưởng thành đấy.
d. Ngoài ra, giai đoạn này bố mẹ thường xuyên nhận được những câu hỏi “khó đỡ” từ con trẻ về vấn đề giới tính của mình. Khi đó, bố mẹ cần trả lời rõ ràng, rành mạch nhưng không cần đi sâu vào chi tiết và nhấn mạnh sự khác biệt giới tính cho bé hiểu như: “Vì con là con gái, bạn Nam là con trai nên không giống nhau, nếu con tiểu đứng thì sẽ bị ướt chân đấy; Bạn Tuyết mặc váy vì bạn Tuyết là con gái, còn con là con trai nên không mặc váy được, con thử tưởng tượng bạn Long mà mặc váy xem có buồn cười không….”
3. NHỮNG LƯU Ý KHÁC
a. Nếu đến 3 tuổi bé cũng không nhận biết được giới tính của mình, thậm chí có thái độ phủ nhận bộ phận sinh dục của mình thì đây là dấu hiệu đáng lo và bố mẹ cần đưa bé đến bác sĩ tâm lý để kiểm tra và can thiệp sớm. Ví dụ như nếu bé trai bảo con không thích có “chim” như thế này, hoặc thường xuyên tiểu ngồi và có những biểu hiện giống các bạn gái cùng lứa…
b. Việc bố mẹ áp đặt bé phải thừa nhận và không được chối cãi “con là con trai” hay “con gái phải là con gái” sẽ rất khó khăn để các chuyên gia tâm lý đánh giá được tình trạng giới tính thực sự của bé. Vì thế, điều quan trọng nhất trong việc giáo dục giới tính cho con là tạo cho bé sự tự chủ, thoải mái để khám phá bản thân mình. Bố mẹ nên định hướng chứ không áp đặt.
c. Việc chọc ghẹo về bộ phận sinh dục của bé cũng là điều cần tránh vì nó sẽ ảnh hưởng đến nhận thức giới tính của con về lâu dài. Nhiều trường hợp, vì cả gia đình mới có cậu con trai độc nhất nên đi đâu cũng khoe “chú chim nhỏ” của con, lâu dần bé sẽ cảm thấy quá mức tự hào với “chú chim” đó và đi đâu cũng sẽ đem khoe khoang và ảnh hưởng đến tâm lý khi trưởng thành.
BS CK I Thái Thanh Thủy Trưởng khoa Tâm Lý Bệnh viện Nhi Đồng 2
Related articles