Phát triển tâm lý và tâm thần vận động của bé 1 – 3 tuổi (phần 2)
Ngoài những thay đổi dễ dàng nhận thấy như tập đi, tập nói, ở giai đoạn 1 – 3 tuổi, trẻ còn phát triển rất nhiều kỹ năng khác mà đôi khi phụ huynh sẽ không nhận ra. Tuy vậy đây đều là những kỹ năng rất quan trọng về lâu về dài. Sau đây là những kỹ năng mà bố mẹ cần chú ý để giúp trẻ phát triển tối ưu nhất trong giai đoạn này.
1. Khả năng tập trung:
Nếu trước đây, bé dễ bị phân tâm và không thể chú ý quá lâu vào một vật hay điều gì đó thì bây giờ, bé đã có thể tập trung chú ý trong thời gian dài hơn và biểu hiện rõ nhất là bé đã có thể tự chơi một mình trong khoảng 10-30 phút. Chính nhờ khả năng tập trung này, bạn đã có thể trò chuyện cùng trẻ lâu hơn, kể cho con nghe những câu chuyện dài hơn vừa giúp bé hoàn thiện vốn từ, vừa xây dựng những khái niệm cảm xúc, tình cảm cho con.
Những trò chơi như tìm số, ghép chữ, xếp hình,... là những cách đơn giản mẹ giúp trẻ tập luyện khả năng tập trung. Hãy cố gắng tạo không gian yên tĩnh cho trẻ trong lúc chơi, để trẻ hoàn toàn chú ý và không bị phân tâm.
Cùng con chơi các trò chơi trí tuệ để luyện tư duy cũng như khả năng tập trung của trẻ.
2. Hoàn thiện trí nhớ:
Đến 2 tuổi, trí nhớ của bé cũng phát triển tốt hơn, và trẻ có xu hướng ghi nhớ đối với các sự vật, sự việc gây ấn tượng mạnh mẽ về hình ảnh, màu sắc. Những hành động nào tạo cảm xúc mạnh mẽ cũng sẽ khiến trẻ lưu tâm và dễ dàng gợi nhớ lại. Đến 3 tuổi, bé đã có thể nhớ một bài thơ ngắn, đơn giản hoặc một bài hát được nghe thường xuyên, do đó, đây là thời điểm phù hợp để bé bắt đầu đi học mẫu giáo.
Khi trẻ đi học về, mẹ có thể hỏi han và nhờ bé nhắc lại những bài học ở lớp. Đây là một cách đơn giản để trẻ kích hoạt lại trí nhớ của mình cũng như khắc sâu kiến thức đã học ở lớp một cách nhẹ nhàng.
Hỏi chuyện về các bài học trên lớp giúp trẻ rèn luyện trí nhớ.
3. Hoàn thiện khả năng tư duy:
Trên 1 tuổi, bé đã bắt đầu có khả năng suy luận và kiểm soát các hoạt động tay, chân của mình theo ý muốn. Chính vì thế, những món đồ chơi phù hợp nhất với bé ở lứa tuổi này là chọn các hình khối đúng để bỏ vào ô, hoặc chọn đúng những cặp màu sắc khác nhau, chúng vừa thú vị với bé vừa giúp bé rèn luyện trí não và sử dụng tay thành thục.
Khi 3 tuổi, bé cũng đã có khái niệm về sự khác biệt số lượng, phân biệt được nhiều và ít. Do đó, bạn có thể chủ động dạy cho bé những bài toán đơn giản, trực quan trong giai đoạn này như: 1 củ cà rốt cùng 1 củ cà rốt nữa, mình sẽ có 2 củ cà rốt. Đây chính là bước đệm rất tốt để bé vào mẫu giáo.
4. Hoàn thiện cảm xúc:
Thời gian đầu, cảm xúc và tình cảm của bé chưa có tính ổn định, mau thay đổi, có thể rất thích thú một cái gì đó, nhưng cũng rất dễ dàng chán. Ở độ tuổi này, các bé bắt đầu có tình cảm đối với những người gần gũi như cha mẹ, anh chị, ông bà. Sau đó xuất hiện thêm những hình thái mới: mong được người lớn khen ngợi, âu yếm và rất sợ khi người lớn tỏ ra không bằng lòng.
Ở khoảng 2-3 tuổi, bé rất thích lời khen ngợi của cha mẹ hoặc sự tán thưởng của những người xung quanh. Những phần thưởng tinh thần này là nguồn cổ vũ quan trọng giúp hình thành tình cảm tự hào của trẻ. Sau đó, xuất hiện thêm cảm xúc xấu hổ: bé cảm thấy xấu hổ mỗi khi hành động của mình bị người lớn chê trách. Bạn hãy thường xuyên khuyến khích động viên bé, đồng thời nghiêm khắc nhắc nhở (không la mắng) cũng như giải thích cụ thể cho bé khi bé mắc lỗi, để tình cảm tự hào và xấu hổ phát triển mạnh, từ đó thúc đẩy bé thực hiện những hành động tốt và hoàn thiện tâm hồn mình với những cảm xúc và suy nghĩ tích cực.
Tóm tắt: Giai đoạn 1 – 3 tuổi cũng là lúc trẻ hoàn thiện các kỹ năng về tư duy, ghi nhớ, cũng như tập trung. Các trò chơi trí tuệ đơn giản sẽ là những gợi ý để mẹ giành thời gian chất lượng giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng của mình. Cha mẹ cũng nên kiên nhẫn, giải thích, động viên để giúp trẻ có những trải nghiệm cảm xúc hoàn thiện và suy nghĩ tích cực từ nhỏ.
Related articles