Con bám mẹ: Làm sao để bé bớt bám mẹ, tự tin độc lập
Xem ngay gợi ý sau để có cách dạy con tự lập bớt bám mẹ, giúp con tự tin hòa nhập cùng các bạn và phát triển toàn diện hơn nhé!
Là cha mẹ, ai mà không yêu thương con, muốn bên cạnh chở che cho con. Nhưng nếu không khéo trong cách dạy con thì lại cha mẹ rất dễ tạo cho bé tâm lý ỷ lại, dựa dẫm và "bám mẹ", khiến cha mẹ không làm được việc gì khác. Bên cạnh đó, việc bám mẹ một cách quá đáng sẽ khiến bé trở nên nhút nhát, thiếu tự tin, khả năng hòa nhập và giao tiếp cùng các bạn đồng trang lứa cũng kém đi. Hãy cùng Nestlé Mom & Me lên kế hoạch dạy con tự lập bớt bám mẹ ngay nào!
1. Giai đoạn bé bám mẹ nhiều nhất
Trẻ có thể bám mẹ ở bất cứ độ tuổi nào cho đến cuối tiểu học và từ độ tuổi chập chững biết đi cho đến khi bé đi học mẫu giáo là giai đoạn bé thường bám mẹ nhất. Bởi đây là lúc bé bắt đầu có ý thức về sự chia xa, bé sợ mẹ sẽ rời xa mình mà không trở lại nữa. Đặc biệt, với những gia đình mà mẹ là người chăm bé nhiều nhất thì tình trạng này càng phổ biến hơn. Ngoài ra, trẻ cũng thường bám mẹ do trẻ có nỗi sợ với những người lạ mà trẻ chưa từng gặp mặt.
Chính vì vậy, ngay từ khi có con, cả nhà hãy cùng chia sẻ trách nhiệm chăm sóc bé, thay tã, tắm, cho con bú... để con cảm nhận sự yêu thương quanh mình và không quá phụ thuộc vào cha hoặc mẹ. Điều này cũng giúp bé quen dần với môi trường gồm nhiều người với nhiều cách hành xử khác nhau.
2. Chơi ú òa là trò chơi cho bé giúp dạy con tự lập hiệu quả
Đây là “bài học” đầu tiên giúp bé hình thành khái niệm về… sự vắng mặt tạm thời của mẹ. Mẹ không “biến mất”. Mẹ chỉ đang chơi trò chơi, chỉ một xíu là mẹ lại hiện ra ngay thôi mà.
Ban đầu, cha mẹ sẽ vắng mặt rất nhanh nhưng sau đấy, cha mẹ có thể tăng dần thời gian "biến mất" lên rồi đột ngột xuất hiện để tạo sự bất ngờ cho con. Bé sẽ cảm thấy thật vui và cũng quen dần với sự "chia xa" tạm thời.
Ở trẻ lớn hơn, lúc đầu mẹ có thể ngồi chơi cùng con, sau đó mẹ có thể nói với bé rằng mẹ cần xuống bếp đặt ấm nước rồi sẽ quay trở lại. Sau đó, mẹ lại đi ra ngoài một lần nữa lâu hơn để pha tách trà… và quay trở lại.
Điều này sẽ giúp con từ từ quen với việc bạn sẽ vắng mặt và sẽ quay trở lại với con.
3. Hãy cho bé làm quen với việc chơi và sự chăm sóc của người khác ngoài mẹ như ông, bà, cha mẹ
Khi con đã quá quen với sự hiện diện của mẹ hoặc bé đi học mẫu giáo mà vẫn bám mẹ thì sẽ khó khăn hơn nhiều đấy. Con thường sẽ khóc rất to khi đi học hoặc khi phải rời xa mẹ. Lúc này, mẹ cần kiên nhẫn và bắt đầu từ từ để con làm quen với sự chăm sóc của những người xung quanh.
Ban đầu, có thể mẹ và cô hoặc ông bà sẽ cùng chơi với con tạo cho con sự hứng thú; sau đó, mẹ dần dần lặng lẽ hơn và chỉ quan sát con chơi, không tham gia chơi cùng con nữa. Một vài ngày sau, mẹ tăng dần khoảng cách với con, nhưng vẫn phải đảm bảo rằng con vẫn nhìn thấy mình. Khi thấy con đã quen với việc chơi mà không có mẹ, thì mẹ hãy "thủ thỉ" để con hiểu rằng chơi với mọi người cũng vui mà, bé sẽ bớt bám mẹ hơn đấy.
Cách dạy con tự lập này rất hiệu quả, hãy thực hiện ngay nếu mẹ chuẩn bị cho bé đi học mẫu giáo, mẹ nha!
4/ Những điều nên và không nên làm trong cách dạy con tự lập không bám mẹ
Nên:
- Ôm ấp vỗ về con nhiều hơn, thủ thỉ cùng con nhiều hơn để bé hiểu rằng mẹ vẫn luôn yêu thương bé, sự xa cách chỉ là tạm thời. Buổi tối trước khi ngủ sẽ là khoản thời gian "ôm ấp" hiệu quả lắm đấy cha mẹ ơi.
- Giúp con xây dựng tính độc lập bằng cách khuyến khích con những việc đơn giản tự phục vụ mình như tự mặc quần áo, đánh răng, tự xúc ăn…
Không nên:
- Lén bỏ đi ngay khi con còn rất nhỏ. Việc lén đi sẽ khiến con hoang mang, không biết vì sao mẹ đột nhiên biến mất và khóc to hơn. Khi mẹ xuất hiện trở lại, con sẽ sợ mẹ tiếp tục biến mất và bám mẹ mãi không thôi. Thay vào đó, hãy tạm biệt con và hẹn rõ thời gian chính xác mẹ về. Ban đầu, bé có thể sẽ khóc nhưng dần dần sẽ hiểu và tin tưởng mẹ, bé sẽ bớt bám mẹ hơn đấy.
- Khi có tình huống thay đổi, ví dụ: đưa bé đi khám bệnh, nhờ người khác chăm sóc... cha mẹ nên giải thích trước cho bé về nơi sẽ đưa bé đến, bé sẽ gặp ai và hành vi mà cha mẹ mong chờ ở bé, điều này giúp bé cảm giác thân thuộc, an tâm hơn trong môi trường lạ.
Mến chúc các bé luôn vui khỏe mỗi ngày để phát triển trọn tiềm năng!
Hiệu đính Bác sĩ:ThS.BS Hoàng Phương Anh - Phân môn Tâm Thần nhi chu sinh - Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
Related articles