Chăm con an nhàn hơn khi mẹ biết cách tập cho bé bú bình
Tập cho bé bú bình là giai đoạn quan trọng ở sự phát triển của bé. Cùng Nestlé Mom&Me biết cách tập cho bé bú bình và giải pháp khi bé không chịu bú bình nhé!
Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất không gì thay thế được. Thế nhưng có đôi lúc nếu mẹ phải vắng nhà, mẹ nên làm thế nào để bé cưng vẫn được bổ sung dưỡng chất đều đặn đây? Giải pháp đây mẹ ơi: Hãy để con yêu làm quen với người bạn mới mang tên “Bình sữa”, và hãy từng bước tập bé bú bình qua bài viết sau đây!
Tập bé bú bình có giống như cách tập bé bú mẹ không?
Trước khi tìm hiểu cách tập cho bé bú bình, mẹ cần biết rằng bé bú bình sẽ hoàn toàn khác so với bú mẹ, cụ thể gồm 2 yếu tố sau:
Khác nhau về cấu trúc núm vú
Khác với sự mềm mại quen thuộc của vú mẹ, núm vú trên bình sữa thường có độ cứng hơn nhiều. Bên cạnh đó, bé cũng không cần ngậm bắt vú mẹ hay dùng các tác động của hàm và lưỡi mà sữa vẫn tự chảy ra.
Khác nhau về hương vị
Ngay cả khi bé đã tập làm quen với thao tác bú bình, bé vẫn có thể không thích bú bình bằng bú mẹ vì lý do mùi vị của sữa trong bình khác với mùi vị bé quen nếm trực tiếp từ mẹ. Do đó, không quá ngạc nhiên khi trong thời gian đầu, đa số các bé không chịu bú bình và thậm chí còn quấy khóc.
Tập cho bé bú bình sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu mẹ hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý
Tại sao bé không chịu bú bình?
Mẹ đã cất công tìm một bình sữa thiệt xinh xắn nhưng bé vẫn không chịu hợp tác, nguyên nhân có thể là vì một trong số các lý do sau:
Bé chưa thực sự đói
Mẹ cần biết rằng trẻ thường chỉ bú bình khi trẻ cảm thấy thực sự đói. Thế nên nếu cho bú khi bé vẫn còn no, khả năng con yêu không bú bình sẽ cao đó mẹ ơi!
Núm vú bình sữa quá cứng
Như đã chia sẻ ở trên, núm bình sữa thường cứng hơn so với vú mẹ, dẫn đến bé sẽ thấy khó mút sữa hơn và vì thế dẫn đến trường hợp bé đói nhưng không hợp tác bú bình.
Tư thế cho bú chưa phù hợp
Ngay cả khi bé đã quen với hương vị mới của sữa, bé vẫn có thể không thích bú bình vì mẹ đang bế bé bú sai cách. Đừng lo lắng, ngay trong bài viết này chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn một số bước bế bé đơn giản nhất để con yêu hợp tác bú bình.
Khi tập cho bé bú bình thành công, bé sẽ ngủ sâu và ngon giấc hơn vì đã được bổ sung đủ dưỡng chất
Giải pháp khi bé không chịu bú bình
Bước đầu tiên, mẹ hãy trò chuyện với cục cưng rằng sắp tới, bé sẽ có trải nghiệm thú vị mới trong quá trình bú. Hãy nhẹ nhàng tâm sự để con hiểu tâm trạng của mẹ lúc này khi cho bé chuyển sang bú bình là như thế nào. Mẹ cũng có thể nhờ sự trợ giúp từ người thân để thay mẹ cho bé bú bình mẹ nhé!
Sau khi bé bi đã sẵn sàng cho trải nghiệm mới, mẹ hãy tập cho bé bú bình với các bước sau:
Bước 1: Trước tiên, mẹ hãy chọn một nơi yên tĩnh và thoải mái để bé bú.
Bước 2: Sau khi đeo yếm cho bé, mẹ nhẹ nhàng lắc bình sữa và kiểm tra nhiệt độ của sữa bằng cách nhỏ một giọt sữa vào cổ tay. Nếu thấy không quá nóng, mẹ đã có thể cho bé bú được rồi đó!
Bước 3: Nhẹ nhàng bế bé bằng cách dùng cẳng tay đỡ phần đầu và tựa khuỷu tay lên thành ghế.
Bước 4: Mẹ cầm phần giữa của bình sữa, từ từ nghiêng bình sữa và đưa núm vú vào miệng bé. Ở bước này, mẹ hãy nhớ luôn giữ sao cho đáy bình bú luôn ở phía trên. Bằng cách này, núm vú sẽ luôn được đầy sữa, giảm tối đa lượng khí bé nuốt vào.
Nếu tập cho bé bú bình đúng cách, mẹ sẽ thấy bong bóng khí xuất hiện dọc bên thành bình sữa. Trong trường hợp không thấy các bọt khí này, mẹ nên nới lỏng nắp bình sữa ra một chút nhé. Nhớ là chỉ một chút thôi, vì nếu nới lỏng nhiều quá thì sẽ có hiện tượng bé bú bình bị chảy sữa ra ngoài đấy! Sau khi bé bú bình xong, mẹ nên cho bé ngồi dậy và vỗ nhẹ vào lưng để bé ợ hơi mẹ nhé!
Tập cho bé bú bình sẽ giúp con có nhiều nguồn hấp thụ dưỡng chất, mẹ có thêm thời gian trở lại cuộc sống thường ngày
Nguồn dinh dưỡng từ sữa rất quan trọng với con thơ trong những năm tháng đầu đời. Để giúp bé hấp thu dưỡng chất đều đặn và thường xuyên, mẹ hãy linh hoạt tìm đến các phương pháp cho bé bú nếu không đảm bảo con yêu được bú sữa mẹ liên tục. Hi vọng rằng với các chia sẻ trên, mẹ sẽ tập cho bé bú bình nhẹ nhàng và đơn giản hơn. Đừng quên tham khảo các chủ đề tương tự ngay tại đây để biết thêm nhiều cách chăm sóc mẹ và bé bạn nhé!
Related articles