Tắc tia sữa không còn là nỗi lo khi mẹ biết những điều này
Tắc tia sữa không chỉ khiến mẹ khó chịu mà còn ảnh hưởng đến bé cưng bú sữa. Vậy nên làm gì để khắc phục tình trạng này? Cùng khám phá bài viết dưới đây!
Sau bao ngày đợi mong, mẹ cuối cùng cũng thấy con yêu chào đời và bắt đầu bú những dòng sữa đầu tiên. Trải nghiệm này có lẽ sẽ tuyệt vời biết bao nếu không có sự xuất hiện của vị khách không mời mang tên “tắc tia sữa”. Tình trạng này không chỉ khiến mẹ khó chịu, mà còn ảnh hưởng đến việc bú sữa của bé yêu. Vậy bị tắc tia sữa là gì, nguyên nhân gây ra và chúng ta nên làm gì để khắc phục tình trạng này? Cùng khám phá bài viết dưới đây mẹ nhé!
Tắc tia sữa là gì?
Tắc tia sữa (hay còn gọi là tắc tuyến sữa, tắc ống dẫn sữa) là hiện tượng khá phổ biến ở những mẹ lần đầu sinh con. Đây là tình trạng sữa mẹ ứ đọng lại bên trong các ống dẫn sữa ở bầu ngực. Khi bị tắc tia sữa, người mẹ thường sẽ cảm thấy đau, tức ở hai bên ngực và do đó, việc cho con bú cũng như hút sữa sẽ gặp khó khăn hơn.
Tắc tia sữa xảy ra khi nào và dấu hiệu cho thấy mẹ đang bị tắc tia sữa?
Sau khi sinh vài ngày, sữa sẽ bắt đầu được tiết ra thành các tia sữa trong tuyến vú. Lúc này, mẹ sẽ cảm thấy vú trở nên nóng, nặng và cứng. Đây là hiện tượng căng sữa thường gặp. Nếu không được đẩy ra ngoài kịp lúc dù dịch sữa vẫn liên tục được tiết ra, khi đó “tắc tia sữa” sẽ xuất hiện.
Lúc này, mẹ sẽ cảm nhận được có một hoặc nhiều điểm cứng khác nhau rải rác quanh ngực, ngực căng cứng và to hơn so với bình thường. Đồng thời, mức độ căng cứng càng lúc càng tăng nhưng ngực lại không tiết ra sữa (hoặc tiết rất ít sữa). Nếu không được can thiệp kịp thời, tắc tuyến sữa có thể khiến mẹ bị tức, đau ngực thậm chí là sốt và nhiễm trùng vú, áp xe vú.
Hành trình cho con bú sẽ trọn vẹn hơn nếu không có vị khách mang tên “tắc tia sữa” xuất hiện
Nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa sau sinh
Một số nguyên nhân quen thuộc khiến mẹ bị tắc tia sữa có thể gồm:
1. Lượng sữa không được lấy ra thường xuyên
Nếu mẹ không cho bé bú thường xuyên trong khoảng 5 - 24 giờ, tình trạng tắc tuyến sữa sẽ xuất hiện. Ngoài ra, mẹ ít hút sữa ngoài hoặc không hút hết sữa sau khi bé bú no cũng có thể gây ra tình trạng sữa ứ đọng trong bầu ngực, gây ra tắc ống dẫn sữa.
2. Ngực bị áp lực lớn tác động vào
Có đôi lúc, mẹ mặc áo ngực quá chật hoặc thường xuyên mang địu bé trước ngực cũng có thể khiến dòng sữa không được lưu thông. Ngoài ra, thói quen nằm ngủ sấp của mẹ cũng có thể là nguyên nhân khiến tia sữa bị tắc.
3. Bé ngậm vú mẹ sai cách
Khi ngậm vú mẹ không đúng đường khớp ngậm, bé sẽ không bú đủ lượng sữa mẹ được tiết ra. Khi đó, sữa mẹ bị ứ đọng trong bầu ngực cũng sẽ gây ra tình trạng tắc tia sữa.
4. Mẹ bị căng thẳng
Có thể mẹ không tin nhưng yếu tố tâm lý cũng là nguyên nhân hình thành tắc tia sữa đấy! Nguyên nhân là vì căng thẳng kéo dài sẽ làm chậm quá trình sản xuất Oxytocin - một loại hormone có chức năng kích thích tiết sữa. Do đó, hãy luôn duy trì trạng thái vui vẻ, yêu đời và tích cực để không gặp phải tình trạng khó chịu này nhé các mẹ ơi!
Cách xử lý tình trạng tắc tia sữa sau sinh
Tắc tia sữa nếu không được can thiệp kịp thời, có thể khiến mẹ bị viêm vú hoặc thậm chí áp xe vú. Để không rơi vào tình trạng này, các mẹ hãy tìm hiểu cách thông tắc tia sữa đơn giản sau:
1. Chườm ấm và massage đầu ngực
Để sữa lưu thông tốt hơn, mẹ có thể chườm ấm và massage bầu ngực để cục tắc sữa tan dần. Cách massage phổ biến nhất chính là dùng một bàn tay hoặc cả hai tay để đẩy và ép bầu ngực lên phía thành ngực. Sau đó nhẹ nhàng xoa theo đường vòng tròn ở những vị trí có cục tắc sữa. Hãy kiên trì massage và chườm ấm đều đặn để sữa không bị tắc mẹ nhé!
2. Cho bé bú đúng cách và thường xuyên
Hãy cho bé bú hết một bên ngực, ưu tiên bên nào căng hơn bú trước, sau đó mới chuyển sang bên ngực còn lại. Ngoài ra, mẹ hãy tham khảo các cách giúp bé ngậm đúng đường khớp ngậm để bé dễ dàng bú hết sữa. Mẹ cũng đừng quên massage ngực trước khi cho bé bú để sữa dễ lưu thông hơn nhé mẹ ơi!
3. Ăn uống và nghỉ ngơi khoa học
Mẹ nhớ bổ sung đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày để sữa được sản xuất nhiều hơn và tuyến sữa được lưu thông tốt hơn. Bên cạnh đó, hãy ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng kéo dài ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các tuyến sữa.
Mẹ cần làm gì khi tắc tia sữa kéo dài?
Nếu đã áp dụng các cách khắc phục trên nhưng tình trạng tắc tia sữa vẫn kéo dài, đầu tiên, mẹ hãy tìm đến các dịch vụ chăm sóc y tế để được can thiệp kịp thời. Tiếp đó, đừng quên cân bằng chế độ dinh dưỡng cho bé cưng nhé mẹ ơi!
Nếu tắc tia sữa kéo dài, mẹ cần linh hoạt tìm nguồn dinh dưỡng bổ sung để bảo đảm sự phát triển toàn diện cho bé
Dẫu biết rằng sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ và việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời là vô cùng quan trọng, thế nhưng nếu tắc tia sữa kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình bổ sung dưỡng chất cho con yêu.
Vì trẻ tăng trưởng với tốc độ khác nhau, mẹ hãy hỏi ý kiến nhân viên y tế về thời điểm thích hợp bắt đầu cho bé sử dụng thức ăn bổ sung. Trong trường hợp này, mẹ có thể cân nhắc dòng sữa mát “gần giống sữa mẹ” như NAN OPTIPRO PLUS, vừa có vị thanh nhạt giúp bé dễ thích nghi và tiêu hóa tốt.
Tắc tia sữa là tình trạng mà hầu hết các mẹ đều có thể gặp trong quá trình cho con bú. Hi vọng rằng với các chia sẻ trên đây, mẹ sẽ biết các biện pháp đơn giản để giảm thiểu nguy cơ xảy ra cũng như biết cách xử lý tình trạng tắc tuyến sữa một cách hiệu quả. Mẹ đừng quên theo dõi thêm các bài viết khác của chúng tôi để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!
Related articles