Các tư thế cho con bú đúng cách được mẹ ưu ái nhất
Làm thế nào để cho con bú đúng cách, bé bú thoải mái mà không bị sặc sữa? Bố mẹ hãy cùng Nestlé Mom & Me khám phá ngay nhé!
Mẹ có biết, việc chọn tư thế cho bé bú phù hợp có thể giúp hành trình nuôi con bằng sữa mẹ trở nên “nhàn” và hiệu quả hơn? Cùng Nestlé Mom & Me khám phá ngay bí kíp cho con bú đúng cách để sữa mẹ về nhiều, bé bú ngoan, chóng lớn nhé!
Cho con bú đúng cách mang đến vô vàn lợi ích cho mẹ và bé:
Theo khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các mẹ nên cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ sau khi sinh, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và kéo dài ít nhất là đến 24 tháng tuổi. Vì hành trình nuôi con bằng sữa mẹ là khá dài, nên việc cho con bú đúng cách sẽ giúp ích rất nhiều cho cả mẹ và bé.
Khi được cho bú đúng cách, bé sẽ ít quấy khóc và bú được nhiều sữa hơn, giảm thiểu khả năng bị sặc hay nôn trớ. Lợi ích này cho phép bé hấp thụ tối đa dưỡng chất để phát triển toàn diện, có đủ “kháng thể vàng” HMO để hoàn thiện hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng,.. Bên cạnh đó, một tư thế cho bé bú thích hợp cũng giúp mẹ thêm thoải mái, giảm stress, tăng khả năng tiết sữa,...
Các tư thế cho bé bú đúng cách mẹ bỉm nên bỏ túi ngay
Thật ra để cho bé bú đúng cách không khó, chỉ cần mẹ hiểu đúng và rõ. Hãy cùng Nestlé Mom & Me khám phá những tư thế cho bé bú phổ biến nhất, được hội mẹ bỉm truyền tai nhau suốt nhiều năm qua nhé!
1. Tư thế cho bé bú khi ngồi: Tư thế ôm nôi.
Cách cho con bú này được xem là một trong những tư thế cho bé bú cơ bản và dễ thực hiện nhất nên được hầu hết hội mẹ bỉm áp dụng.
Đối với tư thế cho bé bú ôm nôi, mẹ chỉ cần tìm một chỗ ngồi thoải mái và có điểm tựa như ghế hoặc giường.
Sau đó, mẹ dùng tay thuận với bầu ngực cho bé bú để đỡ phần cổ và thân của bé hướng vào người mẹ theo một đường thẳng. Nhẹ nhàng nâng bé sao cho bụng bé chạm bụng mẹ, miệng bé quay vào bầu vú, mũi bé đối diện với núm vú rồi bắt đầu cho bé ngậm bắt vú.
Tư thế ôm nôi là một trong những cách cho bé bú dễ thực hiện nhất.
2. Tư thế cho bé bú khi nằm nghiêng:
Tư thế nằm nghiêng thường được các mẹ sinh mổ, sinh khó chưa hồi phục áp dụng để nghỉ ngơi, tránh căng tức vùng khâu. Ngoài ra, tư thế cho bé bú này cũng rất phù hợp cho những khi mẹ mệt mỏi hoặc cần ru bé ngủ.
Ở tư thế này, mẹ sẽ nằm nghiêng một bên và đặt bé ngay bên cạnh, hướng về phía mẹ. Sau đó, mẹ ôm bé sát lại gần, sao cho miệng bé đối diện với núm vú, bụng bé chạm bụng mẹ, tai – vai – hông bé nằm thẳng hàng. Tay còn lại, mẹ có thể đỡ đầu, ôm hông bé hoặc nâng đỡ bầu vú để bé dễ bú hơn.
Lưu ý: Khi cho bé bú, mẹ phải nhớ duy trì tỉnh táo để quan sát, đảm bảo an toàn cho con hoặc nhờ người thân canh chừng để hạn chế các tình huống nguy hiểm như: đầu ti của mẹ đè lên mũi bé gây ngạt thở hoặc mẹ ngủ quên lật trở đè con.
3. Tư thế cho bé bú sinh học:
Với tư thế cho bé bú sinh học, mẹ có thể ngả lưng về phía sau (dựa lưng vào vách hoặc có gối kê) trong tư thế nửa nằm - nửa ngồi.
Tiếp theo, đặt bé nằm trên bụng và đưa miệng bé đối diện với ngực mẹ để bú. Trong lúc đó, mẹ nên nhẹ nhàng đỡ phần đầu và vai để bé tìm ngậm bắt vú.
Cách cho bé bú này sẽ giúp mẹ có thêm cơ hội thư giãn, nghỉ ngơi vì không phải dùng quá nhiều sức để đỡ bé.
Tư thế cho bé bú sinh học cho phép mẹ bỉm “thả lỏng” đôi chút
4. Tư thế cho bé sinh đôi bú:
Với các mẹ sinh đôi, tư thế cho bé bú song sinh sẽ là cách cho con bú tốt nhất. Điều này sẽ giúp mẹ tận dụng tối đa lượng sữa từ cơ thể vì khi bé bú bên này thì sữa ở phía ngực bên kia cũng sẽ chảy theo.
Để áp dụng tư thế bú song sinh, mẹ chỉ cần nằm lòng nguyên tắc sau: người bé phải hướng về vú mẹ, mặt áp vào đầu vú mẹ, 3 điểm đầu - lưng mông của mỗi bé luôn thẳng hàng.
Dù ở tư thế nào, mẹ cũng nên chuẩn bị khăn hoặc gối chữ U ở dưới để tránh mỏi tay và nâng đỡ bé. Nhưng mẹ lưu ý đừng đặt hai bé tựa thẳng xuống gối nhé, bé sẽ không bú được đâu!
Mỗi cữ bú, mẹ nhớ lần lượt điều chỉnh tư thế cho từng bé, ưu tiên bé nào bú yếu hơn thì cho ngậm bắt vú trước. Đồng thời chú ý thay đổi vị trí bú của hai bé để đảm bảo lượng sữa tiết ra đều nhau, đầu vú không bị chênh lệch và bảo vệ mắt bé hoạt động cân đối.
Cho bé bú đúng khớp ngậm - bí quyết để sữa mẹ về nhiều:
Nếu mẹ gặp trường hợp bé mút rát ti, nứt ti mà sữa không về, thậm chí làm đủ cách như massage đầu vú, vê đầu ti vẫn không có sữa. Hoặc mẹ cảm thấy mình căng tức sữa, bé cũng thường xuyên quấy khóc, đòi sữa và bú lâu nhưng mãi không tăng cân, thì nguyên nhân có thể là do mẹ chưa cho bé bú đúng khớp ngậm đó!
Làm sao để mẹ biết bé đã bú đúng khớp ngậm chưa?
Khi bé bú đúng khớp ngậm, mẹ sẽ không hề cảm thấy đau khi bé đang bú. Sau khi bé bú xong, nhả vú ra, bầu ngực mẹ mềm hẳn, núm vú trở về hình dạng bình thường (tròn, đều) hoặc hơi dài.
Không khó để mẹ nhận biết bé có bú đúng khớp ngậm chưa
- Về phía bé, mẹ sẽ thấy miệng bé mở rộng, trẻ ngậm vú sâu, 2 má căng tròn. Trong lúc bé nút vú và nuốt sữa một cách chậm rãi, mẹ cũng có thể nghe thấy tiếng lách chách, tiếng nuốt ực ực đều đặn của con.
Bí quyết giúp bé luôn bú đúng khớp ngậm:
Để bé bú đúng khớp ngậm, mẹ chỉ cần thực hiện theo 4 bước sau:
Bước 1: Mẹ chọn tư thế cho bé bú phù hợp, hướng miệng bé về phía ngực mẹ, mũi bé ngang với núm vú mẹ.
Bước 2: Đưa đỉnh ti chạm môi trên của bé, nếu bé sẵn sàng để bú, bé sẽ há rộng miệng ra.
Bước 3: Khi bé há miệng to nhất, cằm sẽ chạm vào bầu vú mẹ, đầu ngửa ra sau nhiều hơn. Lúc này mẹ nhanh chóng đưa miệng bé vào vú.
Bước 4: Đỉnh đầu ti lọt qua môi trên vào miệng bé, bé sẽ tự động ngậm được sâu và chắc.
Mong rằng bài viết trên sẽ tiếp thêm kiến thức và sự tự tin cho mẹ trên hành trình nuôi con bằng sữa mẹ - nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bên cạnh việc cho con bú đúng cách, mẹ cũng đừng quên giữ cho mình tâm trạng thoải mái cùng chế độ ăn - nghỉ ngơi phù hợp để mang đến nguồn sữa dồi dào cho con, mẹ nhé!
Related articles