Đặc điểm phát triển nhận thức của trẻ mầm non
Xem ngay 5 lưu ý quan trọng về những điều bố mẹ không nên làm khi phát triển nhận thức cho trẻ mầm non nhé!
Trẻ em như tờ giấy trắng rất dễ bị ảnh hưởng bởi những lời nói, hành động của người lớn. Vì vậy có những điều mà bố mẹ cần hết sức lưu ý không nên làm với trẻ. Bởi những hành động tưởng chừng như vô ý sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm nhận, thậm chí làm tổn thương cảm xúc của trẻ nhỏ, đặc biệt là trong giai đoạn mẫu giáo - giai đoạn tiền đề của quá trình hình thành nhân cách và phát triển nhận thức của con. Hãy cùng Nestlé Mom & Me điểm qua một số lưu ý mà bố mẹ không nên làm trong cách dạy con, để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức cho trẻ mầm non nhé.
Không nên chê bai khi trẻ làm sai
Vì sẽ khiến trẻ dễ nảy sinh tâm lý xấu hổ, sợ sai và dần trở nên khép kín trước những điều mới. Do đó để phát triển nhận thức cho trẻ mầm non được hiệu quả và xây dựng sự tự tin cho trẻ, bố mẹ hãy thử việc khuyến khích trẻ thử lại nhé. Bố mẹ có thể khen ngợi quá trình trẻ đã cố gắng để trẻ có thêm động lực để thực hiện.
Không nên ép buộc trẻ
Từ tuổi 2-3 trở đi, trẻ thường có tâm lý bướng bỉnh, chống đối. Nếu bố mẹ cố gắng ép buộc con phải ạ, phải vâng dạ… một cách cưỡng ép sẽ khiến trẻ khó chịu và gây ra tác dụng ngược.
Do đó để giúp trẻ phát triển nhận thức, bố mẹ có thể đặt ra một số quy tắc, hoặc giới hạn trước cho trẻ. Và đặc biệt, bố mẹ cần có thời gian để nói chuyện, giải thích và dạy con đúng cách với những việc nên và không nên làm. Bố mẹ có thể xem thêm Kỷ Luật Giúp Phát Triển Nhận Thức Cho Trẻ Mầm Non .
Đồng thời, bố mẹ chính là tấm gương cho con làm theo và khuyến khích mọi người cũng làm điều tương tự với trẻ. Ví dụ khi gặp ông bà, bố mẹ chủ động chào ông bà và ông bà chào lại bố mẹ, sau đó chào trẻ. Dần dần, trẻ sẽ chủ động chào lại một cách tự nhiên và lễ phép mà không cần ép buộc.
Không nên so sánh trẻ với người khác
Việc so sánh có thể khiến trẻ xấu hổ, tạo ra cảm giác thua kém so với bạn bè và nảy sinh tâm lý ganh ghét, tự ti.
Mỗi bé sẽ có những ưu và khuyết điểm riêng. Nên thay vì so sánh, hãy chủ động khen ngợi những điểm tốt, điểm mạnh của trẻ và nhẹ nhàng trong cách dạy con để hướng dẫn con cải thiện những điểm chưa tốt, giúp con từ từ phát triển nhận thức và hoàn thiện bản thân.
Không nên nói xấu trẻ
Nhiều bố mẹ khi trò chuyện cùng bạn bè thường hay "kể xấu" con mình dù không có ý gì, ví dụ: “Con bé nhà em lười ăn khổ lắm”; “Thằng nhà em yếu lắm hơi tí là lăn ra ốm”; “Nó nghịch như giặc không ai trông được đâu”;...
Trẻ ở tuổi mầm non đã có thể nghe và hiểu những gì bố mẹ nói; nếu trẻ nghe được những lời này sẽ cảm thấy rất tổn thương và không còn tin tưởng cha mẹ nữa; dẫn đến biểu hiện khép kín, ít nói, ít giao tiếp khi ở nhà.
Trẻ cũng có thể sẽ quy chụp bản thân là một “em bé hư” hoặc “quá nghịch ngợm”… mà không nghĩ đến những ưu điểm của bản thân mình. Điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lên quá trình phát triển nhận thức cho trẻ mầm non, ảnh hưởng đến tâm sinh lý và giảm đi sự tự tin của trẻ.
Không nên ra lệnh cho trẻ
Việc ra lệnh một cách áp đặt sẽ khiến tâm lý của trẻ bị đè nén, trẻ sẽ có cảm giác không được tôn trọng. Lâu dần, việc này sẽ hình thành tâm lý "bắt nạt"; trẻ sẽ thích sai bảo những người yếu thế hơn mình như cách bố mẹ vẫn làm với trẻ.
Thay vào đó để con phát triển nhận thức một cách hiệu quả, bố mẹ hãy tôn trọng con và "nhờ" con một cách nhẹ nhàng; tương tự, trong cách dạy con, bố mẹ cũng không nên chủ động làm hết mọi việc cho trẻ mà khuyến khích con "nhờ" bố mẹ. Như vậy, trẻ sẽ hình thành kỹ năng giao tiếp tốt hơn, biết cách tôn trọng người khác và cách từ chối khéo léo. Và để có thể trò chuyện với con nhiều hơn để con phát triển toàn diện, bố mẹ hãy xem thêm cách Giao Tiếp Giúp Phát Triển Nhận Thức Cho Trẻ Mầm Non nhé!
Bố mẹ cũng có thể áp dụng phương pháp dạy con đúng cách bằng cách thay những câu mệnh lệnh bằng những câu hỏi gợi ý, mang tính chất lựa chọn, đưa cho trẻ quyền quyết định. Điều này làm tăng tính chủ động và tạo nên một không khí “bình đẳng” hơn.
Quá trình làm bố mẹ không hề hoàn hảo, nhưng bố mẹ hãy luôn là chỗ dựa vững chắc cho con, thường xuyên thể hiện tình yêu thương với con, và đặc biệt luôn cố gắng nhất quán trong cách dạy con.
Hãy cố gắng để trở thành người bạn thân thiết nhất của con mình, bố mẹ nhé!
Related articles