Làm gì khi bé giận dỗi?
Hôm qua, bé đã khóc ré lên giữa cửa hàng. Chiều nay, bé lại ném đồ chơi đi trong khi mình đang chuẩn bị bữa ăn. Trong nhiều tuần liền, bé nói “Không” với mọi thứ. Mình không còn nhận ra bé yêu nữa. Thật không dễ dàng gì để giữ bình tĩnh. Làm thế nào để kiềm chế cơn giận đối với bé bây giờ?
Những cơn giận của bé thường bắt đầu từ sau tháng thứ 18. Những điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể khiến bé bực mình; do vẫn chưa thể biểu lộ cảm xúc qua từ ngữ, bé chỉ có thể nổi giận: khóc lóc, gào thét và một loạt những hành động khác khiến cho ba mẹ cảm thấy mệt mỏi và khó chịu.
Những xung đột
Cơn thịnh nộ của trẻ ở độ tuổi này ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Chỉ với những điều nhỏ nhặt nhất như việc thấy bắp cải trong bữa ăn chiều, bị mẹ bắt dọn đồ chơi hay không cho nghịch đồ, bé yêu sẽ nỗi cơn thịnh nộ. Dấu hiệu cho thấy bé tức giận gồm có giậm chân, lăn ra đất, la hét, gào thét, xé đồ đạc… khiến cho mẹ vô cùng vất vả. Mẹ có thể sẽ thấy khó xử bởi sự thay đổi hành vi đột ngột này, đặc biệt là khi bé “ăn vạ” ở nơi công cộng, thu hút sự chú ý của nhiều người. Nhưng mẹ ơi, cách hành xử của bé không hề khác lạ hay đặc biệt đâu.
Hành động của bé nghĩa là gì?
Đây đơn giản chỉ là bé đang phát triển và cố gắng tách khỏi bố mẹ mình, bằng cách từ chối thẳng thừng những đề nghị của mẹ và cho mẹ biết bé muốn gì. Điều này thường dấy lên sự xung đột giữa mẹ và bé, mặc dù bé chỉ muốn cho mẹ biết rằng bé có thể tự làm chủ được bản thân. Tuy nhiên, do bé vẫn chưa làm chủ được ngôn ngữ nên việc khẳng định bản thân lại trở thành một cuộc thi thố về la hét và đập phá.
Mẹ thường cảm thấy mệt mỏi và khó khăn khi bé luôn đối đầu và tỏ vẻ khó chịu với mẹ. Tuy nhiên, mẹ cần phải kiên quyết và không nên vì thế mà chiều theo mọi yêu cầu của bé. Sự bực bội đấy là do bé không hiểu điều gì được làm và điều gì không được làm, và dần dần điều này sẽ hình thành tính cách của trẻ. Vậy nên, mẹ cần phải đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này để bé không trở nên tự cao hay lớn lên mà thiếu tự tin vào bản thân.
Luôn kiểm soát
“Yêu nhưng không nuông chìu con”. Mẹ có thể đã nghe nhiều chuyên gia tư vấn khuyên như thế, nhưng ai cũng sẽ sớm nhận ra rằng thật chẳng dễ dàng tí nào khi bé cứ lấy thước ra đo lòng kiên nhẫn của mẹ.
Cách giải quyết tốt nhất là giữ bình tĩnh, lắng nghe con trẻ, nhưng vẫn giữ lập trường riêng của mình. Như vậy, mẹ vừa thể hiện sự tôn trọng cảm xúc của bé, vừa cho bé quyền được biểu lộ bản thân, nhưng quyền quyết định phải làm gì để tốt cho bé vẫn là ở mẹ. Mặc dù nói dễ dàng, nhưng trên thực tế, sau một ngày làm việc mệt mỏi và đương đầu với nạn kẹt xe ngoài đường, việc ứng phó với trẻ hoàn toàn không đơn giản như vậy!
Dưới đây là một vài lời khuyên để mẹ không phải lâm vào “cuộc đụng độ nảy lửa” với trẻ:
- Không gây xung đột, bởi vì ta không thể phân định thắng thua giữa mẹ-con. Mẹ hãy thử một phương pháp mà cả hai phía đều đạt được mục đích, chẳng hạn như cho bé chọn đi công viên hay đi dạo bằng xe nôi.
- Thông báo trước về những điều mà bé sắp làm. Mẹ nên nói với bé rằng bé có thể xem hết chương trình TV, nhưng sau đó sẽ phải đi ngủ ngay. Với cách này, mặc dù được mẹ đặt ra giới hạn, bé sẽ vẫn có cảm giác tự do. Dần dần, bé sẽ nhận ra sự thấu hiểu và tôn trọng mẹ dành cho mình.
- Đừng đánh trẻ hay bắt trẻ vâng lời. Đây là hai phương pháp vô cùng xấu, sẽ để lại hậu quả đối với lòng tự trọng của trẻ. Cha mẹ không phải là người “thuần hóa” con mình. Mẹ có quyền dạy dỗ bé, nhưng mẹ phải cư xử thật khôn khéo để khuyến khích sự phát triển bình thường của trẻ. Mẹ cần phải dung hòa giữa việc yêu trẻ, bảo vệ trẻ, dạy dỗ trẻ và giải quyết các yêu cầu của trẻ. Ai bảo chăm trẻ là chuyện dễ nào?
Phải làm gì khi mẹ bắt đầu “bốc hỏa”
Nếu cơn giận bắt đầu sôi lên, mẹ nên đánh lạc hướng bé bằng cách nói lảng sang chuyện khác (chẳng hạn như chiều nay bà sẽ đến chơi) hoặc đưa ra một giải pháp khác (bé đã có 3 con búp bê rồi, vậy nên thay vì mua thêm một con búp bê nữa, sao ta không mua một bộ đồ chơi cho búp bê).
Nếu bé bắt đầu tỏ vẻ giận dỗi, mẹ nên chờ một chút để bé nguôi giận. Một giải pháp hiệu quả khác nữa là bảo bé về phòng để bé tự mình giải tỏa cơn giận. Quan tâm đến bé trong lúc này chỉ như “đổ dầu vào lửa” cho cơn giận của bé. Không ai quan tâm đến trẻ cũng giống như ta đổ nước lạnh dập tắt cơn giận của trẻ vậy. Sau đó mẹ có thể đến xem bé đã nguôi giận chưa và rủ bé chơi cùng. Mẹ nên chấp nhận những cơn giận của bé, để bé biết rằng mình có quyền được giận và mẹ biết bé đang buồn. Nhưng đồng thời mẹ cũng phải nói với bé rằng mẹ mới là người quyết định và tại sao nghe lời mẹ thì tốt hơn làm theo ý bé.
Có nên đánh trẻ hay không?
Sau khi đã thử mọi cách mà vẫn không giải quyết được, chỉ nên đánh nhẹ một cái vào mông bé. Tuy nhiên hành động này hoàn toàn không phù hợp. Bé có thể sẽ nghe lời mẹ ngay lập tức, nhưng về lâu dài, những hành động bạo lực này sẽ ảnh hưởng xấu đến bé. Bé cũng có thể sẽ lấy việc đánh nhau để giải quyết xung đột với bạn bè ở trường hay với anh em ở nhà. Vậy nên, cách tối ưu để giải quyết cơn giận của bé là bnh tĩnh và trò chuyện.
Sau khi bé hết giận, mẹ còn cần làm một điều quan trọng nữa, đó là nói với bé rằng mẹ vẫn yêu bé dù bé có giận dỗi.
Related articles