Mách mẹ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ mầm non
Cùng tìm hiểu nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ mầm non để biết cách bổ sung các dưỡng chất cần thiết giúp trẻ khỏe mạnh mẹ nhé!
Giai đoạn từ 3 -5 tuổi là thời kì hoàn thiện về các chức năng vận động cũng như phát triển trí não cho trẻ, do đó trẻ có nhu cầu cao về năng lượng và dinh dưỡng mỗi ngày. Cung cấp bữa ăn đầy đủ dưỡng chất để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ mầm non chính là điều mà các bậc phụ huynh cần đảm bảo để con có được nền tảng vững chắc nhất cho sự phát triển toàn diện trong tương lai.
Nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ mầm non
Giai đoạn này, nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ mầm non tầm 1300-1500 Kcal/ ngày. Theo đó, bé cần khoảng 300 - 500ml sữa và khẩu phần ăn gồm 3 bữa chính, 2 bữa phụ. 4 nhóm chất cơ bản mà bé cần lúc này cụ thể như sau:
- Nhóm bột đường: Mỗi ngày, bé cần khoảng 120 - 150g tinh bột đến từ các món ăn cho trẻ như cơm, bún, phở, hủ tiếu,... (gia giảm theo cách chế biến món ăn) và khoảng 15g đường thông qua các loại ngũ cốc, sữa, trái cây, các loại rau củ,…
- Nhóm chất đạm: Bé cần khoảng 25 - 30g đạm một ngày và trong đó, đạm từ thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu,… phải chiếm ít nhất một nửa.
- Nhóm chất béo: Giai đoạn này, bé cần khoảng 5 - 6 muỗng cà phê (25 - 30 ml) dầu mỡ mỗi ngày. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, các món ăn cho trẻ nên có cả dầu và mỡ, đặc biệt là mỡ của các loại gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng bởi loại mỡ này chứa nhiều axit béo chưa no rất cần thiết để phát triển trí não cho trẻ.
- Nhóm vitamin và khoáng chất: Nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ mầm non với vitamin và khoáng chất cũng rất đa dạng, trong đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý bổ sung cho trẻ đủ các loại sắt (7mg/ ngày), kẽm (3mg/ ngày), vitamin A (300 mcg/ ngày), Vitamin B1 (0,5 mg/ ngày), Vitamin B2 (0,5 mg/ ngày), Vitamin B6 (0,5 mg/ ngày), Vitamin D (15 mg/ ngày), Vitamin C (15mg/ ngày), I-ốt (90 mcg/ ngày) và canxi (500 – 600 mg/ ngày).
Ngoài ra, giai đoạn này bé cần uống khoảng 1 - 1,2 lít nước mỗi ngày. Cha mẹ nhớ nhắc bé uống nước đầy đủ để tránh tình trạng thiếu nước gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, hệ bài tiết cũng như cả hệ miễn dịch của bé. Mẹ cũng có thể tham khảo thêm bài viết Mách Mẹ Chế Độ Dinh Dưỡng Cho Trẻ Mầm Non để bổ sung dinh dưỡng đúng cách cho bé.
Những lưu ý về bữa ăn để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ mầm non
Cho bé ăn theo chế độ người lớn: Lúc này, kỹ năng nhai của bé đã hoàn thiện nên cha mẹ hãy cho bé tham gia cùng bữa ăn của cả gia đình và tự ăn. Duy trì thói quen này để tránh tình trạng trẻ trì hoãn việc ăn uống, kéo dài bữa ăn quá thời gian cho phép, ăn kèm với điện thoại, tivi, máy tính bảng,… Đồng thời để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ mầm non hiệu quả và giúp trẻ tập thói quen ăn uống lành mạnh, cha mẹ hãy làm gương cho con bằng việc ăn uống đúng giờ giấc, đủ bữa.
Cân đối các nhóm dưỡng chất có trong món ăn của trẻ mỗi ngày để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho trẻ toàn diện nhất. Nếu cho bé ăn theo khẩu phần riêng, các mẹ cần tuân theo nguyên tắc: thêm dầu ăn, ít nước để tăng độ sệt cho món ăn. Nên khuyến khích bé ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi.
Hạn chế thức ăn nhanh: Giai đoạn này, trẻ rất thích các món gà rán, khoai tây rán và các loại thức uống có ga. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ ngày càng tăng, và kéo theo đó là nhiều hệ lụy khôn lường. Chính vì thế, cha mẹ cần hạn chế việc chiều theo ý trẻ để tránh tạo thành thói quen xấu trong ăn uống.
Khuyến khích trẻ vận động: Giúp trẻ học hỏi các kĩ năng trong cuộc sống, thêm lạc quan và tự tin cũng là một trong những lưu ý quan trọng giúp bố mẹ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ mầm non hiệu quả. Ngoài ra, việc vận động còn giúp tiêu thụ năng lượng, giúp trẻ nhanh đói nhờ đó sẽ ăn ngon hơn khi đến bữa.
Tổng hợp từ: benhviennhi.org.vn/benhviennhitrunguong.org.vn
Hình: Shutterstock
Related articles